Trong suốt 12 năm học, môn Văn là môn gắn bó mật thiết nhất với học sinh. Bạn yêu thích hay phải tiếp nhận học nó một cách nặng nề?
Có người tiếp nhận môn Văn như một thói quen rồi yêu thích nó, nhưng cũng có người lại chỉ xem môn Văn như trách nhiệm và đôi khi cũng là gánh nặng trong việc học hành. Chính vì thế, ngày càng nhiều trong những ngôi trường, học sinh không đam mê và yêu thích môn Văn, do đó tình trạng học lệch, học tủ trước mỗi kỳ thi luôn xảy ra.
Những phản xạ tự nhiên của con người trước một sự vật - hiện tượng thường sẽ là: Nếu cảm thấy vui thì sẽ cười và trở nên yêu thích, nếu cảm thấy buồn thì sẽ khó chịu và trở nên ghét. Thứ gì càng gắn bó lâu với con người thì sẽ có lúc trở thành thói quen và môn Ngữ Văn đối với học sinh cũng như vậy. Ngoài những học sinh hình thành thói quen đam mê và yêu thích môn Văn thì có rất nhiều học sinh lại làm ngược lại. Mấu chốt vấn đề nằm ở việc trong một thời gian dài, nếu không học tập thật nghiêm túc thì sẽ dẫn đến việc tìm cách đối phó với mỗi kỳ thi môn Ngữ Văn thay vì sẵn sàng đón nhận một cách thoải mái như nhiều môn học mà chúng ta yêu thích.
Nếu mỗi học sinh tự đặt câu hỏi rằng vì sao mình yêu thích môn này, vì sao mình luôn hứng thú với những giờ học môn kia và những kỳ thi của môn ấy thật nhẹ nhàng thì cũng sẽ tìm ra câu trả lời vì sao học sinh không đam mê và yêu thích môn Văn.
Nhưng nếu nhìn nhận tình trạng học môn Ngữ Văn hiện tại theo hướng khách quan thì hiện tượng không đam mê và yêu thích môn Ngữ Văn xảy ra do hai nguyên nhân chính:
- Phương pháp dạy học ở các trường học
Hiện nay vẫn còn nhiều trường học chạy theo thành tích cho nên việc giảng dạy không đảm bảo chất lượng thật sự. Ngoài những môn học có thể đi học thêm ra thì những môn xã hội như Ngữ Văn, Sử, Địa thường bị lơ là hơn trong việc giảng dạy cũng như thi cử. Có trường học đến tiết Ngữ Văn, nhiều học sinh trong lớp nằm ngủ gục và không học tập nghiêm túc, nhưng giáo viên vẫn không nói gì mà chỉ muốn dạy cho hết tiết để nghỉ ngơi. Mặt khác, cũng có những trường hợp giáo viên không nắm vững kiến thức vì còn trẻ hoặc không đam mê với nghề nên môn Văn trở thành một môn “Đọc – chép” cho hết 45 phút. Sự hời hợt trong giảng dạy và thiếu quan tâm của nhà trường đã dẫn dến tình trạng học sinh ngày càng không có đam mê, không yêu thích môn Ngữ Văn. Chính vì vậy thường học đối phó trước cách kỳ thi quan trọng, cho đến khi không được kết quả như mong muốn, học sinh sẽ ngày càng sợ và không có hứng thú với môn Ngữ Văn hơn.
- Ý thức học tập môn Ngữ Văn của các học sinh
Một người không đọc nhiều sách thì chắc hẳn vốn hiểu biết sẽ hạn hẹp hơn những người chăm đọc sách, ham tìm hiểu những điều chưa biết. Điều này không phải học sinh không biết, nhưng vì thói lười biếng nên đã vô ý bỏ qua những việc làm đáng quan tâm, như việc học môn Ngữ Văn. Vì môn Ngữ Văn là môn học khá nhiều chữ, nội dung có phần trừu tượng và chỉ khi tìm hiểu sâu cũng như nghiêm túc học tập thì mới nắm vững kiến thức và có hứng thú để tiếp tục học tập.
Hãy thử tưởng tượng nếu một đất nước chỉ tồn tại các con số, không có các bài thơ hay các bài văn về những tấm gương, câu chuyện, con người tốt đẹp… thì đất nước ấy sẽ trở nên thế nào? Con người giao tiếp với nhau không có chủ ngữ, vị ngữ và thậm chí không biết phải thể hiện lời muốn nói như thế nào đối với người đối diện thì sẽ ra sao? Nếu những học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường nhận ra những khó khăn sẽ gặp phải nếu không có môn Ngữ Văn thì có lẽ sẽ thấy được tầm quan trọng của môn Ngữ Văn và học tập một cách nghiêm túc hơn, không còn tình trạng học tủ, học lệch trong các kỳ thi nữa.
Không chỉ riêng môn Ngữ Văn và những môn khác nữa, nếu học sinh chúng ta không học tập một cách nghiêm túc thì sẽ có lúc gặp những trường hợp đáng buồn trong học tập. Một đất nước mạnh là một đất nước có nền giáo dục tốt. Và để có nền giáo dục tốt thì cũng nhờ một phần công sức học tập của học sinh – thế hệ trẻ của tương lai.
Môn Ngữ Văn chính là nền móng trong việc rèn luyện nhân cách, thái độ cư xử và nhận thức tương lai của thế hệ trẻ, chính vì thế hãy cùng xây dựng một nền móng vững chắc cho một đất nước hùng mạnh.
(Nguồn Internet)
Gửi bình luận