Trong nền văn học Việt Nam, thời kì văn học trung đại là thời kì văn học chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa, văn học Trung Hoa. Cùng với hệ thống thi pháp cổ, ngôn từ mang tính trừu tượng. Điều đó khiến cho việc tiếp cận tác phẩm văn học trung đại của học sinh gặp nhiều khó khăn. Nhưng qua bài viết của em Nguyễn Thị Hồng Phương lớp 10C11 trường THPT Hàm Thuận Bắc, ta có thể thấy rằng em có kĩ năng nhận thức, đánh giá một tác phẩm văn học trung đại. Sau đây tôi xin giới thiệu bài viết của em về bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nguyễn Bỉnh Khiêm ( 1491 – 1585) là tác giả tiêu biểu cho một giai đoạn văn học. Sáng tác của ông là tiếng nói chung của một tầng lớp trí thức dân tộc phải sống trong buổi suy vi của chế độ phong kiến. Nổi bật trong tiếng nói ấy là chữ “Nhàn”. Theo quan niệm của tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm “Nhàn” là quan niệm sống hòa hợp với tự nhiên, giữ cốt cách thanh cao, vượt lên trên danh lợi. Điều đó được thể hiện qua bài thơ:
“Một mai, một cuốc , một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại , ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.”
Qua bài thơ ta có thể thấy được vẻ đẹp cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm được thể hiện ở hai câu đầu:
“Một mai, một cuốc , một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”
Số từ tính đếm rành rọt “ một” kết hợp với danh từ chỉ công cụ lao động “mai, cuốc, cần câu” làm cho ta cảm nhận tất cả đã được chuẩn bị thật chu đáo để cụ Trạng về sống giữa nông thôn. Trong câu thơ thứ hai từ thơ thẩn ta có thể hiểu tác giả đã hòa mình vào thiên nhiên, sống trong thiên nhiên. Trở lại câu đầu tiên việc cụ Trạng về sống giữa nông thôn cũng lao động sản xuất như bao người nông dân khác. Dùng mai để xắn đất, dùng cuốc để đào đất, dùng cần câu để câu cá. Nhưng chúng ta đã biết thường thì những người có quyền cao chức trọng khi trở về sống ở quê nhà thì rất tự cao và khinh chê mọi người xung quanh và giữ phong cách của một vị quan trong triều. Nhưng ở đây ta lại cảm nhận được rằng tác giả không tự cao mà còn rất thuần hậu, ông làm mọi việc mà người nông dân thường làm. Ngoài ra qua bài thơ này ta còn thấy được phong cách sinh hoạt và đồ ăn thức uống hằng ngày cũng rấy giản dị, gần gũi với đời thường không có gì gọi là cao sang quyền quý được tác giả thể hiện qua hai câu thơ:
“Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao”
Hai câu thơ mở ra cho chúng ta thấy trước mắt là một bộ tranh tứ bình bốn mùa: Xuân – hạ - thu – đông. Thức ăn mà một cụ trạng sử dụng lại rất giản dị, mộc mạc không phải sơn hào hải vị mà là măng trúc, giá đỗ. Đây là những món ăn dân dã có sẵn trong tự nhiên, theo mùa , cộng với công sức của chính tác giả tạo ra. Từ đấy cho ta thấy tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm không muốn phụ thuộc vào ai, vào bất cứ thứ gì chỉ muốn có được một cuộc sống đơn sơ, giản dị, “tự cung tự cấp”, vui thú điền viên. Qua hai câu thơ trên ta còn thấy cuộc sống sinh hoạt của tác giả cũng rất đỗi bình thường, cũng tắm hồ, tắm ao như bao người nông dân khác. Qua chi tiết này ta có thể cảm nhận được rằng tác giả đã hòa mình vào thiên nhiên, sống trong thiên nhiên, cảm nhận được mọi vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời, thoát khỏi vòng ganh đua tiền tài của thói tục. Chưa hết qua bài thơ người đọc còn cảm nhận được vẻ đẹp nhân cách của tác giả qua hai câu thơ:
“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao”
Việc sử dụng những cặp từ trái nghĩa: ta – người, dại – khôn, vắng vẻ - lao xao cùng với nghệ thuật đối làm nổi bật sự lựa chọn của tác giả “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ”
. Cụm từ nơi vắng vẻ ở đây ta có thể hiểu là nơi ít người, nơi tĩnh tại của thiên nhiên, nơi tâm hồn ta thấy thảnh thơi, không phải bận tâm đến mọi việc để đầu óc con người được khoáng đạt. Còn “chốn lao xao” ở đây là chốn cửa quyền có ngựa xe tấp nập và con người không từ bất cứ thủ đoạn độc ác nào để đấu đá nhau giành quyền cao chức trọng.Từ đó cho ta cảm nhận rằng tác giả muốn thoát khỏi vòng danh lợi để tìm đến nơi yên tĩnh. Với Nguyễn Bỉnh Khiêm ta không chỉ thấy được vẻ đẹp cuộc sống, nhân cách mà còn thấy được vẻ đẹp trí tuệ.
“Rượu đến cội cay ta sẽ uống
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.”
Tác giả dùng điển tích “cội cây” làm cho ta cảm nhận được rằng tác giả tìm đến say là để tỉnh, tỉnh để nhận ra vinh hoa, phú quý chỉ là một giấc mơ. Khi tỉnh dậy giấc mơ sẽ tan biến và trở về cuộc sống hiện tại.
Bài thơ Nhàn là lời tâm sự sâu sắc của tác giả, thể hiện một quan niệm sống: “Nhàn” là sống hòa hợp, với tự nhiên giữ cốt cách thanh cao vượt lên trên danh lợi. Bài thơ còn là lời nhắn nhủ của tác giả đối với mọi người: đừng ham mê phú quý, tiền tài, danh lợi vì nó chỉ làm cho con người trở nên xấu đi về nhân cách, làm mất đi tình yêu thương của con người đối với nhau.
Vũ Thị Kim Chi
Gửi bình luận