Những điểm đặc biệt trong nghệ thuật tự sự của tác phẩm Thuốc - Lỗ Tấn

  1. Cái nhìn điện ảnh:

     Lỗ Tấn rất có tài trong việc sử dụng tiếng cười để đả phá những thói hư tật xấu của con người. Tiếng cười trong Thuốc chủ yếu  toát ra qua cái nhìn của điện ảnh. Đây là thủ pháp rất mới so với hời đại ấy. Sử dụng kiểu nhìn để kể, nhà văn đạ tạo được tính khách quan đáng kể cho câu chuyện. Nhờ vậy tòan bộ nội dung truyện không cần thiết phải tường thuật tỉ mỉ nhưng vẫn hiện lên rõ nét, sinh động.

     Biểu hiện trước hết là người kể giữ thái độ khách quan với đối tượng. Văn bản được bắt đầu bằng cái nhìn từ bên ngoài: “Quán trà đã đông khách. Lão Hoa tay xách chiếc ấm đồng lớn. đi đi lại pha trà. Ai mắt lão thâm quầng.”

     Tính khách quan được tiếp tục qua việc miêu tả ngôn ngữ và ngoại hình nhân vật. Người kể ban đầu không gọi tên các khách hàng của lão Hoa mà chỉ xác định bằng màu tóc: “một người râu hoa râm”.

     Cách kể này vừa tăng tính khách quan vừa khiến người đọc tò mò muốn biết người ấy là ai. Văn bản quán triệt từ đầu đến cuối nguyên tắc không nói hết này. Ngay cả đối thoiạ cũng được dựng theo lối lấp lửng: “Chỉ vì ông ta lận đận quá! Gí thằng con…”. Giữa phần III và IV cũng có khoản trống. Người kể không miêu tả cái chết của Thuyên(điều mà rất nhiều nhà văn khác sẽ làm) mà “nhảy cóc” từ không gian quán trà lão Hoa sang không gian “nghĩa địa”. Cái chết của Thuyên diễn biến ra sao, nỗi đau đớn của vợ chồng lão Hoa ra sao…người kể không đề cập đến một câu.

  1. Cấu trúc phân đoạn:

     Không dễ xác định nhân vật trung tâm của tuyện, bởi truyện kết cấu theo bốn phần, mỗi đoạn có một nhân vật đảm nhiện vai trò chính yếu.. Đoạn một nhân vật nổi trội là lão Hoa, bố của cậu Thuyên. Đoạn hai là Thuyên. Đoạn ba là cả Khang. Đoạn bốn là mẹ Hạ Du. Thuyên là cậu con trai duy nhất nối dõi tông đường nhà lão Hoa, nhưng hiện thập tử nhất sinh vì căn bệnh nan y thời đó: bệnh lao. Mọi người tin rằng để chữa lành bệnh, Thuyên phải được ăn bánh bao tẩm máu người.

     Vợ chồng lão Hoa sinh sống bằng gian hàng nước.Họ nghèo. Họ lam lũ. Họ lao động vất vả để kiếm sống. Nhưng mối bận tâm lớn nhất của họ không phải là chuyện  mưu sinh mà là tính mệnh của đứa con. Muốn cứu nó phải có tiền và họ đã tích cóp được một túi bạc nhỏ, đủ để mang đổi chiếc bánh bao tẩm máu người.

     Thế nhưng máu được tẩm vào chiếc ánh bao ấy lại là máu của một chiến sĩ cách mạng. Người đang nổ lực khai trí cho mọi người biết về quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với quốc gia. Sau bao nỗi hồi hộp, lo âu, lão Hoa cũng có được chiếc bánh bao mang về nướng lên cho con ăn. Kết cục, tiền thì mất, con vẫn chết.

Câu chuyện chỉ bấy nhiêu tình tiết nhưng cũng chuyển tải được cái nhìn chưa chát đầy châm biếm, đau xót trước sự ngờ nghệch của dân chúng. Không khí truyện được bao trùm trong tiếng cười bi đát, xa xót trước cảnh mê muội của đám đông đương thời.

  1. Nghệ thuật song trùng:

     Ta thấy, dụng ý của tác giả không xoáy vào nỗi bi thương của cái chết vì căn bệnh lao. Trên cái nền của một người mắc bệnh cần tìm thuốc chạy chữa, Lỗ Tấn đan cài căn bệnh thời đại. Sự ngu muội của người dân Trung Quốc- căn bệnh gần như nan y- trước phương thuốc cách mạng- lật đỗ chế độ cũ, xây dựng nền dân chủ cộng hoà.

     Người đọc sẽ được tiếp x úc với nhiều sự song trùng: căn bệnh lao của Thuyên ứng với căn bệnh nhu nhược, u tối của người dân Trung Quốc trước cường quyền. Lão Hoa đi tìm thuốc cho con bằng chiếc bánh bao tẩm máu người vừa bị tử hình (thứ  “thuốc” vốn chẳng thể nào chữa lành bệnh) song trùng với dân chúng tẩy chay nhà cách mạng ( vốn là thứ “thuốc” có thể chữa lành căn bệnh thời đại). Sự song trùng ở đây về hình thức là sự tương phản nhưng bản chất là giống nhau: sự mê muội của dân chúng theo tập quán đương thời. Người dân tin bánh bao tẩm máu người là thần dược với căn bệnh lao cũng như làm cách mạng ( xem Trung Quốc là của chung mọi người ) là tội đồ của xã hội, đáng chê trách. Chính niềm tin mù quáng, phi khoa học này là căn bệnh khó có thể cứu chữa. Người ta không phân biệt được đúng sai, tốt xấu đối với bản thân mình.

       Sự mù quáng là nguyên nhân nảy sinh ra độc ác. Điều này  thì đúng với mối quan hệ giữa các nhân vật với chiến sĩ cách mạng Hạ Du. Vì không hiểu được ý nghĩa hành động của nhà cách mạng và mê muội, sợ hãi nghe theo luận điệu của giới thống trị nên đám khách hàng trong quán lão Hoa đều xem Hạ Du là giặc.

    Người râu hoa râm: “Nghe nói tên phạm chém hôm nay là người họ Hạ. Con nhà ai đấy nhỉ?”

    Cả Khang, tay đao phủ “mặt thịt” đáp: “ Con nhà ai nữa? Con nhà bà Tứ chứ còn ai?  Thằng quỷ sứ!.

    Thái độ của mọi người là xem thường và chì chiết Hạ Du ,a dua theo luận điệu của Cả Khang: “Cái thằng nhãi con ấy không muốn sống nữa, thế thôi.”Ở đây có sự tương phản giữa người thực thi pháp luật và người vi phạm pháp luật. Bản thân người thực thi ấy thì không thể là người tốt, còn bản thân người vi phạm thì chẳng hề xấu chút nào.

     Thế nhưng, do máy móc, thiếu suy nghĩ thấu đáo nên Cả Khang lại đi kết tội Hạ Du. Càng kết tội Hạ Du, Cả Khang càng bộc lộ những nét xấu xa, thối nát của bản thân và xã hội ấy. Điều này tạo nên tiếng cười mỉa mai, đau xót.

  1. Trần thuật móc xích:

     Người góp phần quan trọng trong kĩ thuật tự sự này là cả khang. Ta có thể xem nhân vật này cũng là một người kể chuyện của tác phẩm.

    Trước hết, Cả Khang được người kể giới thiệu: ngoại diện “ mặt thịt ngang phè”, dáng đi “từ ngoài đâm sầm vào”, ăn mặc thì “xộc xệch”, áo “không cài khuy”, giọng nói thì “oang oang”.

    Thế nhưng những người trong quán đều tỏ vẻ kính sợ hắn: “ cả quán cũng cung kính lắng tai nghe hắn nói”. Hắn chủ yếu tập trung vào hai vấn đề. Trước hết là việc chính tay hắn đưa chiếc bánh bao tẩm máu người cho lão Hoa và hắn đến đây để cam đoan cậu Thuyên sẽ khỏi bệnh. Sau đó hắn nói đến Hạ Du, người vừa bị chém chết. Từ chuyện Hạ Du hắn chuyển sang lão đề lao Nghĩa và cụ Ba người tố cáo cháu mình là Hạ Du..

     Theo lời miêu tả của Cả Khang, lão Nghĩa hiện lên như một con ngáo ộpmắt đỏ như cá chép”, tham lam vô hạn, cái áo tử tù cởi ra, lão nghĩa cũng lấy mất. Khi nghe Hạ Du tuyên truyền cách mạng, “lão ta liền đánh cho hai bạt tai”.

     Bỉ ổi hơn là cụ Ba, người “ đem thằng cháu ra thú”. Sở dĩ cụ làm như thế là cụ sợ cả nhà mất đầu và vì cụ “ được thưởng hai mươi lạng bạc trắng xoá, một mình bỏ túi tất, chẳng mất cho ai một đồng kẽm”.

     Theo lập luận của Cả Khang thì có ba người được hưởng lợi từ cái chết của tử tù. . Thep thứ tự sẽ là lão Nghĩa, lão Hoa và cụ Ba. Lập luận của hắn nghe thật khôi hài hết chỗ nói. Lão Nghĩa thì bòn đến chiếc áo của tử tù. Lão Hoa thì có được máu của tử tù( tuy phải trả tiền). Cụ Ba thì nhờ bán cháu mà có tiền. Ba con người này đại diện cho ba đối tượng: luật pháp, thương mại và quan hệ huyết thống. Mối quan hệ giữa họ không có . Tất cả chỉ quay xung quanh cái lợi trước tử tù Hạ Du. Cấu trúc nhân vật theo kiểu này, Lỗ Tấn rất thuận lợi trong việc lột tả bộ mặt xã hội, nơi vì kém hiểu biết(lão Hoa), độc ác, cuồng tín (Cả Khang), táng tận lương tâm (cụ Ba) đã tiếp tay cho cái ác hoành hành.

      Mục đích của Lỗ Tấn không chỉ dừng lại ở chỗ tái hiện thực trạng xã hội và giúp người đọc nhận thức ra sự xấu xa ấy, mà hơn thế nữa, ông muốn cải tạo xã hội. Hình ảnh Thuyên xét ở một cấp độ khác có thể xem là biểu tượng của xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ, đang mắc một chứng bệnh nan y, khó có thể qua khỏi. Vậy thì phải cần loại thuốc nào đây?

     Phương thuốc mà mọi người thời ấy cho rằng vô cùng hữu hiệu thì hoá ra hoàn toàn vô nghĩa. Nó chẳng cứu được Thuyên. Phương thuốc này cũng mang tính biểu tượng. Căn bệnh xã hội ấy cần được điều trị từ phương thuốc mới mẻ, bên ngoài, chứ không thể lấy phương thuốc từ chính tập quán của xã hội ấyđiều trị cho nó.

    Vậy nên giải pháp ở đây là phương thuốc cách mạng với phương châm dân chủ: “ Thiên hạ nhà Mãn Thanh chính là của chúng ta.” do Hạ Du khởi xướng. Trong thời phong kiến, thiên hạ - tức đất nước thuộc quyền sở hữu của vua, người xưng là thiên tử. Người dân sống trong đất nước đó được xem là con dân của vua. Vua có quyền lực tối cao đối với đất nước và đối với bất kì ai trong vương quốc của mình. Dân chúng phải tuân theo lệnh vua và bất kì điều gì vua nói ra đều đúng, đều là chân lí tối thượng. Bởi vậy, việc Hạ Du chống lại triều đình trong con mắt của lão Nghĩa, Cả Khang và thậm chí cả người nhà Hạ Du (cụ Ba) là sự phạm thượng không thể nào chấp nhận nổi. Với họ cái chết của Hạ Du là đích đáng.

     Cũng xét ở góc độ biểu tượng , một khi phương thuốc của mọi người không phát huy hiệu quả thì cần phải có một phương thuốc khác. Cách Lỗ Tấn để những bông hoa xuất hiện trên mộ Hạ Du và hình ảnh con quạ “ xoè đôi cánh, nhún mình, rồi như một mũi tên, vút bay thẳng về phía chân trời xa” ở cuối truyện là biểu tượng cho sự hé rạng tương lai, cho niềm tin về sự chiến thắng của con người tiến bộ trên thế gian.

 

    Như thế, hình tượng, ngôn từ trong văn bản đều mang tính lưỡng diện. Bao hàm hai hoặc nhiều hơn nữa các khía cạnh, các nghĩa. Căn bệnh của Thuyên hàm chứa căn bệnh thời đại. Thuốc chữa cho Thuyên gợi dẫn thuốc chữa bệnh thời đại. Cả Khang đúng ở góc độ trung thành với triều đình nhưng sai với số phận những người dưới đáy xã hội. Điều này tương tự với lão Nghĩa và cụ Ba. Nhờ tính đa diện này mà nhân vật của văn bản hiện lên với nhiều vai. Các vai này đối thoại nhau toạ nên sự hài hước, châm biếm, mỉa mai, chua xót…Còn gì chưa chát hơn bởi vì tiền mà có người mang cháu mình ra đầu thú. Còn gì khôi hài đến rơi nước mắt hơn cảnh mọi người trong quán đối thoại với nhau về chuyện ai là kẻ thật đáng thương hại khi nghe Hạ Du nói : “Thật đáng thương hại, thật đáng thương hại!”

      Câu nói này được thốt lên sau khi Hạ Du bị lão Nghĩa tát cho hai cái chỉ vì tội tuyên truyền lão làm cách mạng. Có người nhầm câu nói đó được dành cho Hạ Du. Nhưng khi nghe Cả Khang cắt nghĩa: “ Mặt ai nấy bỗng ngơ ngác. Không ai nói gì cả”. Đám đông trong quán trà của Lão Hoa là những con người chất phác. Họ sống bị động, luôn tuân theo suy nghĩ và lôgic tồn tại của thể chế phong kiến. Bất cứ điều gì đi chệch khỏi vĩ đạo đó đều khiến họ không thể hiểu. Cái “ngơ ngác” của họ là hình ảnh tiêu biểu cho sự thiếu hiểu biết, trì đọng của những người mộc mạc, hiền lành. Sự thụ động đó đã khiến họ dễ tin vào bất kì điều gì giới thống trị nhồi sọ.

(Nguồn Sưu tầm: Trọng tâm kiến thức Ngữ văn 12)

 

              Nhóm thực hiện:

Lê Thị Phượng

Nguyễn Thị Lệ Thủy

Nguyễn Thị Phương Oanh

 

Gửi bình luận