ỨNG XỬ VỚI THẦY CÔ GIÁO – NỘI DUNG QUAN TRỌNG NHẤT TRONG VĂN HOÁ ỨNG XỬ CỦA HỌC SINH

              Văn hoá ứng xử của học sinh đang là một vấn đề đang được bàn nhiều trong các phương tiện thông tin đại chúng, trong các diễn đàn và cả trong các công trình nghiên cứu khoa học. Nội dung quan trọng nhất trong văn hoá ứng xử của học sinh là vấn đề ứng xử với thầy cô giáo.

 

 

           Qua việc phân tích các nghĩa của văn hoá ứng xử ta có thể hiểu: Văn hoá ứng xử là cái đẹp, cái giá trị trong ứng xử, tức là ứng xử có văn hoá. Nó bao gồm: hệ thống thái độ, khuôn mẫu, kỹ năng ứng xử của cá nhân và cộng đồng người trong mối quan hệ với môi trường thiên nhiên, xã hội và bản thân, dựa trên những chuẩn mực xã hội nhằm bảo tồn, phát triển cuộc sống của cá nhân và cộng đồng người hướng đến cái chân, cái thiện, cái mỹ.

  Vậy học sinh hiện nay đã ứng xử với thầy cô giáo một cách có văn hoá, phù hợp với chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, với truyền thống “tôn sư trọng đạo” hay chưa? Từ thực tế ở trường và một số trường khác, chúng ta thấy một bộ phận học sinh chưa thể hiện điều  đó.

                Có rất nhiều học sinh hiện nay quan niệm thầy cô giáo và cán bộ nhà trường chỉ là người làm công tác đào tạo cho mình. Vì vậy đã đánh mất những nét đẹp, xa rời các chuẩn mực trong cách ứng xử với thầy cô giáo. Đó là thái độ không tôn trọng giáo viên trong giờ học mà những biểu hiện cụ thể là cãi lại lời giáo viên khi bản thân có lỗi, bị phê bình; là trả lời câu hỏi của giáo viên một cách cộc lốc, thờ ơ cho qua …Cả những hành vi nói chuyện riêng, làm việc riêng, sử dụng điện thoại, để chuông điện thoại reo trong giờ học của một số học sinh cũng thể hiện sự ứng xử chưa văn hoá. Ngoài lớp thì một số học sinh gặp không chào thầy cô, không nhưng đường cho thầy cô đi qua. Từ thực trạng trên, để giáo dục văn hoá ứng xử cho học sinh - giáo dục văn hoá học đường, trước hết phải giáo dục, uốn nắn những lệch lạc về chuẩn mực trong thái độ, hành vi ứng xử của học sinh đối với thầy cô giáo. 

                 Các bạn học sinh phải nhận thức được rằng văn hoá ứng xử với thầy cô giáo không chỉ thể hiện nét đẹp của văn hoá truyền thống dân tộc, không chỉ là yêu cầu về đạo đức, lối sống đối với học sinh mà còn thể hiện giá trị bản thân - văn hoá của mình. Rất nhiều bạn học sinh đã đi học các lớp kỹ năng mềm trong đó quan trọng là kỹ năng giao tiếp - một trong những yếu tố giúp con người thành công và hạnh phúc trong cuộc sống, sự nghiệp khi vào đời - nhưng điều đó sẽ vô nghĩa nếu bạn nào vẫn còn ứng xử chưa đúng mực với thầy cô giáo đang âm thầm thực hiện sự nghiệp “trồng người” trang bị kiến thức, kỹ năng 

cho mình! 

                 Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 sắp tới - những nhà giáo thật hạnh phúc khi nhận được những lời chúc mừng, những bó hoa tươi thắm và cả những món quà có ý nghĩa từ phía học sinh. Nhưng hơn hết tất cả giáo viên sẽ thật sự hạnh phúc và tự hào nếu hàng ngày đều nhận những lời nói, thái độ, hành vi ứng xử thể hiện sự tôn trọng, kính mến, biết ơn của học sinh, đối với mình. Đó là món quà ý nghĩa nhất và giá trị nhất trong cuộc đời làm thầy.

 

 

 

 

Nguyễn Thị Mỹ Thảo (Sưu tầm)