TRUYỀN THỐNG TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO

Một trong những truyền thống tốt đẹp nhất của người Việt Nam là "Tôn sư trọng đạo". Đó là đạo lí của những người học trò mà chúng ta cần phải trân trọng, giữ gìn và phát huy.
Tôn sư:  “tôn” có nghĩa là tôn trọng, kính trọng và đề cao. “sư” có nghĩa là thầy dạy học, dạy người, dạy chữ. Vậy “tôn sư” là người học trò thì phải biết tôn trọng, kính trọng và đề cao vai trò của người thầy trong quá trình học tập và trong cuộc sống.Trọng đạo: “trọng” có nghĩa là coi trọng, tôn trọng. “đạo” có nghĩa là đạo lí, con đường làm người, đạo đức, đạo lí truyền thống tốt đẹp của con người. Vậy “trọng đạo” là người học trò phải biết tôn trọng, lễ phép, kính trọng người thầy, vì người thầy đã giảng dạy, truyền dạy cho chúng ta biết thế nào là đạo nghĩa, đạo đức, đạo học làm người và những tri thức khác về mọi mặt của đời sống tự nhiên, đời sống xã hội,...
"Tôn sư trọng đạo" chính là một truyền thống tốt đẹp của đạo học Việt Nam, truyền thống này có từ lâu đời khi có nhu cầu truyền dạy và học tập của con người. Đề cao vai trò, tầm quan trọng của người thầy, chúng ta còn biết đến những câu thành ngữ, tục ngữ, những câu nói dân gian như:
"Không thầy đố mày làm nên" – có nghĩa là nếu không có người thầy dạy cho ta học và làm bất cứ sự việc gì thì ta không thể học và làm được điều đó.
"Học thầy không tầy học bạn" – có nghĩa là nếu học thầy mà chưa hiểu hết, chưa nắm hết được kiến thức thì học ở bạn, lúc này bạn cũng là thầy của ta.
"Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" - có nghĩa là người dạy cho ta một chữ thì cũng là thầy, dạy nửa chữ cũng là thầy. Đây là cách nói cụ thể nhất của câu  "Tôn sư trọng đạo".
"Trọng thầy mới được làm thầy" - có nghĩa là: nếu không tôn trọng thầy và đạo học của thầy thì không thể làm thầy thiên hạ được. Vì muốn làm thầy thì trước hết phải làm học trò. Một người học trò khi trở thành bậc thầy thì đã có biết bao người thầy đã truyền thụ kiến thức về mọi mặt – tức là làm học trò của nhiều người thầy thì sau mới có thể làm thầy giỏi được.
Vậy nên, vì những lẽ trên, cha ông ta đã đúc gọn trong câu: "Tôn sư trọng đạo" là rất chính xác, ngắn gọn, đầy đủ ý nghĩa về vai trò, tầm quan trọng của việc tôn trọng người thầy, tôn trong đạo học.
Chúng ta luôn tự hào với truyền thống và phẩm chất cao đẹp của các bậc thầy xưa, các thầy lớp trước mà danh tiếng lưu truyền mãi mãi như:
Đời nhà Trần có thầy Lê Văn Hưu, thầy Chu Văn An, Nguyễn Phi Khanh.
Đời nhà Lê có thầy Trần Ích Phát.
Đời nhà Mạc có thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Thế kỷ XIX, có thầy Cao Bá Quát, thầy Nguyễn Đình Chiểu lấy việc dạy người cao hơn dạy chữ.
Đầu thế kỷ XX, có thầy Nguyễn Thức Tự đã dạy dỗ học trò hầu hết thành đạt trở thành những chí sĩ yêu nước như cụ Phan Bội Châu, Ngô Đức kế, Đặng Thái Thân, Lê Văn Hân,... và chúng ta quên sao được thầy giáo Nguyễn Tất Thành người đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, cùng với các học trò xuất sắc như: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã làm rạng rỡ non sông đất nước ta.

Ngày nay, có rất nhiều người học trò đã và đang hiểu, đang thực hành câu thành ngữ và cũng đang bước trên con đường thành đạt trong cuộc sống, trong khoa học,... Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có rất nhiều người học trò đang ngồi trên ghế nhà trường, được học nhiều bộ môn của các thầy cô giảng dạy nhưng họ không ý thức được vấn đề cần phải tôn trọng, kính trọng, lễ phép với người thầy và coi trọng đạo học mà thầy truyền giảng. Điều ấy có nghĩa là đạo lí truyền thống không được tôn trọng, học tập...

TỔ GDCD - SỬ

Gửi bình luận