1/ Hỏi: Vì sao người ta thường dùng tro bếp để bón cây?
Đáp: Trong tro bếp có chứa K2CO3 cung cấp nguyên tố kali cho cây.
2/ Hỏi: Vì sao NaHCO3 được dùng để chế thuốc đau dạ dày (bao tử)?
Đáp: NaHCO3 làm giảm lượng HCl trong dạ dày nhờ phản ứng: NaHCO3 + HCl → NaCL + CO2 + H2O
3/ Hỏi: Khi cơm bị khê người ta thường cho vào nồi cơm một mẩu than củi lại làm mất mùi khê?
Đáp: Do than củi xốp có tính hấp phụ nên hấp phụ mùi khét của cơm khê làm cho cơm đỡ mùi khê.
4/ Hỏi: Vì sao nước rau muống đang xanh khi vắt chanh vào thì chuyển sang màu đỏ?
Đáp: Có một số hợp chất hoá học gọi là chất chỉ thị màu, chúng làm cho dung dịch thay đổi màu khi độ axit thay đổi. Trong rau muống (và vài loại rau khác) có chất chỉ thị màu này. Trong chanh có chứa 7% axit xitric. Vắt chanh vào nước rau làm thay đổi độ axit, do đó làm thay đổi màu nước rau. Khi chưa vắt chanh, nước rau muống có màu xanh lét là do chứa chất kiềm canxi.
5/ Hỏi: Vì sao ăn sắn (củ mì) hay măng có khi bị ngộ độc?
Đáp: Ăn sắn hay măng bị ngộ độc khi chúng chứa nhiều axit xianhyđric (HCN). Ở dạng tinh khiết axit xianhyđric là chất khí mùi hạnh nhân, có vị đắng và rất độc. Nhiệt độ nóng chảy là –13,3 độ C, tan trong nước, rượu, ete và là axit rất yếu. Trong thiên nhiên gặp ở dạng liên kết trong một số thực vật (hạt mận, đào, củ sắn, măng tươi).
Sắn luộc hay măng luộc hoặc xào nấu có vị đắng là chứa nhiều axit xianhyđric, có nguy cơ bị ngộ độc. Khi luộc sắn cần mở vung để axit xianhyđric bay hơi. Sắn đã phơi khô, giã thành bột để làm bánh thì khi ăn không bao giờ bị ngộ độc vì khi phơi khô axit xianhyđric sẽ bay hơi hết.
Trong công nghiệp axit xianhyđric được điều chế bằng các oxi hoá hỗn hợp khí metan (CH4) và amoniac (NH3), có xúc tác platin. Axit xianhyđric là nguyên liệu điều chế tổng hợp các chất cao phân tử. Axit xianhyđric ở dạng tự do dùng làm chất xông hơi chống côn trùng gây bệnh. Muối của axit xianhyđric như kali xianua (KCN) dùng trong tổng hợp hữu cơ, trong nhiếp ảnh và để tách kim loại vàng ra khỏi quặng.
TỔ HÓA
Gửi bình luận