I. Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí:
1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận
- Dẫn nhận định hoặc câu nói.
2. Thân bài:
* Giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận.
Tùy theo yêu cầu đề bài có thể có những cách giải thích khác nhau:
- Giải thích khái niệm, trên cơ sở đó giải thích ý nghĩa, nội dung vấn đề.
Giải thích nghĩa đen của từ ngữ, rồi suy luận ra nghĩa bóng, trên cơ sở đó giải thích ý nghĩa, nội dung vấn đề.
- Giải thích mệnh đề, hình ảnh trong câu nói, trên cơ sở đó xác định nội dung, ý nghĩa của vấn đề mà câu nói đề cập.
Lưu ý: Tránh sa vào cắt nghĩa từ ngữ ( theo nghĩa từ vựng).
* Phân tích và chứng minh những mặt đúng của tư tưởng, đạo lí cần bàn luận.
- Bản chất của thao tác này là giảng giải nghĩa lí của vấn đề được đặt ra để làm sáng tỏ tới cùng bản chất của vấn đề. Phần này thực chất là trả lời câu hỏi: Tại sao? (Vì sao?) Vấn đề được biểu hiện như thế nào? Có thể lấy những dẫn chứng nào làm sáng tỏ?
* Bình luận, đánh giá (bàn bạc, mở rộng, đề xuất ý kiến…):
- Đánh giá vấn đề: Nêu ý nghĩa của vấn đề, mức độ đúng – sai, đóng góp – hạn chế của vấn đề.
- Phê phán, bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề đang bàn luận.
- Mở rộng vấn đề
* Rút bài học nhận thức và hành động
- Từ sự đánh giá trên, rút ra bài học kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong học tập, trong nhận thức cũng như trong tư tưởng, tình cảm, …( Thực chất trả lời câu hỏi: từ vấn đề bàn luận, hiểu ra điều gì? Nhận ra vấn đề gì có ý nghĩa đối với tâm hồn, lối sống bản thân?...)
- Bài học hành động - Đề xuất phương châm đúng đắn, phương hướng hành động cụ thể
( Thực chất trả lời câu hỏi: Phải làm gì? …)
3. Kết bài:
- Khẳng định chung về tư tưởng, đạo lí đã bàn luận ở thân bài
- Lời nhắn gửi đến mọi người
II. Nghị luận về một hiện tượng đời sống
1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề nghị luận đặt ra ở đề bài: hiện tượng đời sống mà đề bài đề cập…
2. Thân bài:
* Trình bày thực trạng – Mô tả hiện tượng đời sống được nêu ở đề bài. Có thể nêu thêm hiểu biết của bản thân về hiện tượng đời sống đó.
Lưu ý: Khi miêu tả thực trạng, cần đưa ra những thông tin cụ thể, tránh lối nói chung chung, mơ hồ mới tạo được sức thuyết phục.
- Tình hình, thực trạng trên thế giới (…)
- Tình hình, thực trạng trong nước (…)
- Tình hình, thực trạng ở địa phương (…)
* Phân tích những nguyên nhân – tác hại của hiện tượng đời sống đã nêu ở trên.
- Hậu quả, tác hại của hiện tượng đời sống đó:
+ Đối với cộng đồng, xã hội.
+ Đối với cá nhân mỗi người.
- Nguyên nhân:
+ Nguyên nhân khách quan (…)
+ Nguyên nhân chủ quan (…)
* Bình luận về hiện tượng ( tốt/ xấu, đúng /sai...)
- Khẳng định: ý nghĩa, bài học từ hiện tượng đời sống đã nghị luận.
- Phê phán, bác bỏ một số quan niệm và nhận thức sai lầm có liên quan đến hiện tượng bàn luận.
- Hiện tượng từ góc nhìn của thời hiện đại, từ hiện tượng nghĩ về những vấn đề có ý nghĩa thời đại.
* Đề xuất những giải pháp:
Lưu ý: Cần dựa vào nguyên nhân để tìm ra những giải pháp khắc phục.
- Những biện pháp tác động vào hiện tượng đời sống để ngăn chặn (nếu gây ra hậu quả xấu) hoặc phát triển (nếu tác động tốt):
+ Đối với bản thân…
+ Đối với địa phương, cơ quan chức năng:…
+ Đối với xã hội, đất nước: …
+ Đối với toàn cầu
3. Kết bài:
- Khẳng định chung về hiện tượng đời sống đã bàn
- Lời nhắn gửi đến tất cả mọi người
III. Nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra từ tác phẩm văn học đã học:
1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề.
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề xã hội mà tác phẩm nêu ở đề bài đặt ra.
- Trích dẫn câu thơ, câu văn hoặc đoạn văn, đoạn thơ nếu đề bài có nêu ra.
2. Thân bài:
* Phần Giải thích và rút ra vấn đề xã hội đã được đặt ra từ tác phẩm.
Lưu ý: Phần này chỉ giải thích, phân tích một cách khái quát và cuối cùng phải chốt lại thành một luận đề ngắn gọn.
* Phần trọng tâm: Thực hiện trình tự các thao tác nghị luận tương tự như ở bài văn nghị luận về tư tưởng đạo lí hoặc nghị luận về hiện tượng đời sống như đã nêu ở trên.
Lưu ý: Khi từ “phần giải thích” chuyển sang “phần trọng tâm” cần phải có những câu văn “chuyển ý” thật ấn tượng và phù hợp để bài làm được logic, mạch lạc, chặt chẽ.
3. Kết bài
- Khẳng định chung về ý nghĩa xã hội mà tác phẩm văn học đã nêu ra.
- Lời nhắn gửi đến tất cả mọi người.
IV. Nghị luận xã hội dưới dạng một câu chuyện
1. Mở bài:
– Dẫn vấn đề, giới thiệu câu chuyện trong đề bài.
– Nêu vấn đề cần nghị luận.
2. Thân bài:
* Phân tích, hoặc nêu vắn tắt nội dung câu chuyện để rút ra ý nghĩa vấn đề
- Tóm tắt nội dung câu chuyện nhằm nhấn mạnh, khẳng định ý nghĩa nội dung từ văn bản văn học đó.
– Từ đó, khái quát chính xác vấn đề xã hội cần nghị luận.
* Thực hiện các thao tác nghị luận (tùy thuộc vào vấn đề nghị luận là một tư tưởng, đạo lí hay một hiện tượng đời sống HS áp dụng phương pháp làm bài cụ thể).
– Giải thích vấn đề (nếu cần thiết)
– Phân tích – chứng minh:
+ Đối với vấn đề xã hội là vấn đề tư tưởng, đạo lí : Làm rõ các biểu hiện của tư tưởng, đạo lí ở những phương diện khác nhau trong đời sống…; dùng thực tế xã hội để chứng minh. Đặt câu hỏi để xác định ý: Như thế nào? Ở đâu? Bao giờ? Người thật việc thật nào?….
+ Đối với vấn đề xã hội là một hiện tượng đời sống: Xác định đó là hiện tượng tích cực hay tiêu cực, mô tả những biểu hiện của hiện tượng đó….
– Bình luận: Bình luận, chỉ ra tầm quan trọng của vấn đề xã hội hiện nay
+ Đánh giá:
Quan niệm, tư tưởng ấy đúng đắn, sâu sắc như thế nào? Ý nghĩa đối với tâm hồn, nhân cách con người? (tư tưởng, đạo lí)
Hiện tượng ấy có ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc sống con người ?
(Cần thể hiện thái độ đồng tình, biểu dương, trân trọng trước vấn đề xã hội có ý nghĩa tích cực; phê phán những biểu hiện sai trái, suy nghĩ, quan niệm lệch lạc so với quan niệm, tư tưởng, hiện tượng được nghị luận)
+ Mở rộng: Xem xét vấn đề ở những phương diện, góc độ khác nhau (phương pháp, góc nhìn, tính hai mặt của vấn đề nghị luận…)
* Rút ra bài học cho bản thân
– Về nhận thức: Vấn đề xã hội đó giúp ta hiểu sâu sắc về điều gì? Rút ra được điều gì có ý nghĩa?
– Về hành động: Xác định hành động bản thân phải làm gì? Việc làm cụ thể, thiết thực.
3. Kết bài:
Đánh giá ý nghĩa của vấn đề xã hội trong tác phẩm.
MỘT SỐ ĐỀ THAM KHẢO CÁC DẠNG TRÊN
Đề 1: Nhà văn V. HuyGô từng nói: “Trên đời này chỉ có một thứ mà ta phải cúi đầu thán phục đó là tài năng và chỉ có một thứ mà người ta phải quỳ gối tôn trọng đó là lòng tốt.”
Anh/chị bình luận ý kiến trên.
Gợi ý:
- Giải thích ý nghĩa câu nói:
- Tài năng: Khả năng đặc biệt, sự khéo léo hơn người, trí sáng tạo vượt bậc.
- Lòng tốt: Tấm lòng vị tha, khoan dung và nhân hậu: Đây là hai phẩm chất đặc biệt quý giá ở con người, thuộc hai lĩnh vực trí tuệ và tâm hồn của con người.
- Cúi đầu thán phục và quỳ gối tôn trọng là cách nói hình ảnh thể hiện thái độ đánh giá cao nhất đối với những phẩm chất quí giá của con người đồng thời cũng bộc lộ một quan điểm về cách đánh giá con người: Chỉ đề cao, coi trọng tôn vinh những gì đẹp đẽ, có giá trị trong trí tuệ và phẩm cách của con người, coi đó là cái duy nhất đáng coi trọng, ngưỡng mộ.
- Phân tích, lý giải:
- Vì sao phải cúi đầu thán phục đối với tài năng: Vì tài năng là biểu hiện cao nhất của khả năng trí tuệ của con người, là điều kiện tốt nhất để con người khẳng định giá trị của bản thân và đóng góp cho cuộc sống chung của cả cộng đồng. Đối diện với tài năng, ta không chỉ được chiêm ngưỡng, thán phục mà còn được mở rộng tầm hiểu biết, nâng cao nhận thức để tự hoàn thiện bản thân.
- Vì sao phải quỳ gối tôn trọng đối với lòng tốt: Vì lòng tốt xét đến cùng là sự hy sinh, dâng hiến cho người, cho đời trên cơ sở của tinh thần nhân đạo. Để tốt với người, với đời, mỗi cá nhân cần biết vượt qua những nhu cầu cá nhân ích kỷ, biết đứng cao hơn chính bản thân mình để có thể yêu thương thật lòng, giúp đỡ chân tình, tha thứ thực sự. Những nỗ lực vì người khác xuất phát từ lòng tốt luôn đáng để tôn vinh.
- Bàn luận, mở rộng vấn đề:
- Vị thế của chủ thể câu nói: Một nhà văn lớn (hội tụ cả hai yếu tốt tài năng và tấm lòng), người hơn ai hết hiểu sâu sắc ý nghĩa, giá trị của tài năng, tấm lòng trong văn chương cũng như cuộc sống. Ở vị thế ấy, thái độ đề cao là một tất yếu.
- Mặt tích cực: Đề xuất một cách đánh giá và một thái độ đúng đối với những giá trị tốt đẹp của con người. Tài năng bao giờ cũng cần được đề cao, và lòng tốt bao giờ cũng cần được coi trọng. Mọi biểu hiện miệt thị lòng tốt và phủ nhận tài năng đều cần phải lên án, phê phán.
- Mở rộng, nâng cao:
+ Không nên tuyệt đối hoá vị trí của tài năng và lòng tốt vì trong cuộc sống, trong con người vẫn còn có nhiều phẩm chất khác cần được coi trọng.
+ Cần xác lập mối quan hệ giữa tài năng và lòng tốt (liên hệ với quan điểm của Hồ Chí Minh: Có tài mà không có đức là vô dụng. Có đức mà không có tài không làm được việc gì).
- Bài học nhận thức và hành động
Đề 2: Suy nghĩ của anh, chị về ý nghĩa của bài thơ sau:
Ví không có cảnh đông tàn
Thì không có cảnh huy hoàng ngày xuân
Nghĩ mình trong bước gian truân
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.
(Tự khuyên mình – Trích Nhật kí trong tù – Hồ Chí Minh)
Gợi ý:
- Giải thích ý nghĩa của bài thơ.
- Bài thơ đề cập đến hiện tượng tự nhiên: Nếu không có cảnh mùa đông tàn thì cũng không có được cảnh huy hoàng của mùa xuân. Đông qua rồi mới đến xuân, đó là qui luật tất yếu của tự nhiên.
- Từ qui luật tự nhiên, bài thơ liên tưởng đến con người: Trong khó khăn gian khổ, nếu con người chịu đựng được, vượt qua được những khó khăn thử thách thì sẽ đến được với cảnh huy hoàng của cuộc sống.
- Những bước gian truân, tai ương gặp phải là những thử thách, rèn luyện làm cho tinh thần thêm hăng. Bài thơ thể hiện tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cách mạng.
- Bàn luận, mở rộng vấn đề.
- Khẳng định quan niệm của Bác trong bài thơ là hoàn toàn đúng:
+ Trong cuộc sống, không mấy ai không gặp khó khăn, gian khổ. Trước những trở ngại không được bi quan, chán nản mà phải giữ vững niềm tin vào lí tưởng, mục đích cuộc sống của mình.
+ Những vất vả, khó khăn gặp phải như cơn gió lạnh mùa đông . Nếu chịu đựng và vượt qua được mùa đông lạnh lẽo thì sẽ được sống trong cảnh huy hoàng của ngày xuân. Điều đó có nghĩa vượt qua gian khổ sẽ đến được với thành công. Niềm tin đó sẽ giúp chúng ta vươn lên trong cuộc sống. Chính trong gian khổ con người sẽ vững vàng hơn. Tai ương gặp trong cuộc đời sẽ sẽ giúp tinh thần thêm hăng hái. HS có thể lấy dẫn chứng
(cuộc đời Bác Hồ và các chiến sĩ cách mạng trong đấu tranh là dẫn chứng hùng hồn về sự kiên trì, nhẫn nại, về quyết tâm vượt qua những thử thách, về niềm tin và tinh thần lạc quan cách mạng).
- Phê phán những kẻ sợ khó khăn gian khổ, hay nản chí ngã lòng, bi quan trước những khó khăn thử thách trong cuộc sống.
- Bài học nhận thức và hành động.
- Sống ở trên đời, khi đã xác định được mục đích đúng đắn, muốn đi đến thành công thì phải trải qua những gian nan thử thách. Nếu vượt qua được chắc chắn sẽ đạt được điều ta mong muốn.
- Chấp nhận đương đầu với khó khăn thử thách, đem hết khả năng của mình góp phần vào sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.
- Bài thơ giúp ta hiểu được qui luật tất yếu của cuộc sống, từ đó hăng hái học tập và rèn luyện.
Đề 3:
“Trong quyển lưu bút cuối năm học, học sinh viết:“Nhưng mìn hứa sẽ mãi lè bẹn thân đeng wên teo dzà mái trừng iu zấu nì nha”.Xin tạm dịch: “ Nhưng mình hứa sẽ mãi là bạn thân, đừng quên tao và mái trường yêu dấu này nha”.Và đây nữa:“Gửi mail nhớ thim cái đuôi @ da heo chấm cơm nha, mi u bit ko, năm nay lại ko được học chung dzới nhau gùi”. Tạm dịch là: “Gửi mail nhớ thêm cái đuôi @ da heo chấm cơm nha, mấy bạn biết không, năm nay lại không được học chung với nhau rồi”.
Phần chữ in đậm trong đoạn văn trên là những câu trích trong cuốn lưu bút của học sinh lớp 8 một trường chuyên Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh”.
(Trích Ngôn ngữ chat - Việt Báo - 18/5/2006 - Tác giả Ngọc Mai)
Hiện nay, trong sinh hoạt và học tập, một bộ phận lớp trẻ có thói quen sử dụng tiếng lóng trên mạng, còn gọi là “ngôn ngữ chat”, “ngôn ngữ SMS”, “ngôn ngữ @”,… như trong đoạn trích trên. Anh (chị) hãy viết bài văn ngắn khoảng 600 từ bày tỏ ý kiến của mình về việc này.
Gợi ý:
Lập dàn ý
- Mở bài:
Giới thiệu hiện tượng cần bàn: thói quen sử dụng tiếng lóng của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
2. Thân bài
* Nêu bản chất của hiện tượng - giải thích hiện tượng
- Tiếng lóng trên mạng, ngôn ngữ chat, ngôn ngữ SMS, ngôn ngữ @.... là tên gọi chung của hình thức chữ viết dùng để tán gẩu trên mạng thông qua máy vi tính hoặc điện thoại di động.
- Do sử dụng bàn phím máy tính và bàn phím điện thoại di động có một số bất tiện khi viết tiếng Việt, nên ban đầu có một số người nhất là giới trẻ có một sáng kiến viết tắt một cách tùy tiện cho nhanh.
* Bàn luận thực trạng, nguyên nhân của hiện tượng bằng các thao tác phân tích, chứng minh
- Thực trạng :
+ Lúc đầu xuất hiện trên mạng trên điện thoại, chat trên máy tính, nay lan dần sang các lĩnh vực khác như nói, viết các loại văn bản khác nhau trong sinh hoạt và học tập.
+ Lớp trẻ mắc phải nhiều nhất. Nguy hiểm hơn, căn bệnh này là căn bệnh mới trong học đường và lây lan rất mạnh. Nhiều thầy cô, nhiều phụ huynh, nhiều Sở giáo dục đã lên tiếng về việc này trên các phương tiện thông tin..
+ Hiện tượng này lan dần theo thời gian. Đến nay, trở thành một thói quen trong một bộ phận không nhỏ của lớp trẻ hiện nay.
- Nguyên nhân của hiện tượng trên
+ Do tiết kiệm thời gian khi "chat" mạng
+ Do tuổi trẻ nhạy bén với cái mới và muốn có một thế giới riêng, hoặc muốn tự khẳng định mình hoặc nũng nịu với bạn bè và người thân cho vui
+ Do tuổi trẻ vô tư, vô tình không thấy hết tác hại của hiện tượng trên…
* Hậu quả của hiện tượng trên:
- Tạo nên một thói quen nói và viết chệch chuẩn, làm mất đi sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt, hủy hoại giá trị truyền thống.
- Ảnh hưởng đến tư duy, ảnh hưởng đến tâm lí của lớp trẻ. Đó là thói xấu nói năng, tư duy một cách tùy tiện, cẩu thả…
* Cách khắc phục hiện tượng trên
- Vì đây là một hiện tượng xã hội phát sinh từ cuộc sống cho nên không thể tẩy chay một cách máy móc một chiều, tránh cách xử lí cực đoan.
- Giải thích thuyết phục lớp trẻ thấy được rằng sự vô tình của mình có thể gây nên một tác hại khó lường.
- Tiếp thu có chọn lọc hiện tượng này và sử dụng đúng lúc đúng chỗ không được sử dụng tràn lan trong sinh hoạt và học tập.
3. Kết bài:
- Không đồng tình với những hành vi trên
- Cẩn thận trọng khi tiếp xúc với những hiện tượng mới phát sinh trong cuộc sống hiện đại. Nhất là khi những hiện tượng này mâu thuẫn với những giá trị truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời.
- Vì vậy, yêu cầu phải có cách ứng xử phù hợp với tính chất của từng hiện tượng để tiếp thu những cái mới mẻ, nhưng cũng không hủy hoại những giá trị truyền thống.
Tổ Ngữ văn
Gửi bình luận