Sự cần thiết phải giáo dục pháp luật cho học sinh

Thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật ở lứa tuổi vị thành niên đang có chiều hướng gia tăng. Trong số đó, có không ít trường hợp là học sinh phổ thông đang ngồi trên ghề nhà trường.

   Sự việc đau lòng sau đây là một dẫn chứng:

    Trong đêm văn nghệ tại Trường THCS Hàm Chính ngày 26-3, do mâu thuẫn nên Lê Thiện Phước (16 tuổi, học đến lớp 9 thì nghỉ, ngụ xã Hàm Chính) và Phạm Hoài Duy (học sinh lớp 12C6 Trường THPT Hàm Thuận Bắc) đánh nhau. Hồ Văn Hải (học sinh lớp 12C10) là bạn và đi cùng Duy cũng tham gia đánh nhau với Lê Thiện Phước. Bất ngờ Phước rút dao trong người ra đâm Hải thiệt mạng.

  Xu hướng những kẻ phạm tội ở tuổi vị thành niên ngày càng nhiều làm dấy lên  những lo lắng, quan ngại trong dư luận xã hội. Có thể nhận thấy, ngoài những nhân tố như: hoàn cảnh, môi trường sống, phương pháp giáo dục của gia đình, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng trên là những khoảng trống chưa được khỏa lấp trong công tác giáo dục pháp luật cho học sinh. Trong chương trình GDCD ở bậc học phổ thông, những kiến thức cơ bản về pháp luật đã được đưa vào giảng dạy hoặc được lồng ghép tích hợp. Mặc dù vậy, do hạn chế về thời lượng, cùng với đó là phương pháp truyền thụ của giáo viên chưa thực sự sinh động, hấp dẫn , những kiến thức pháp luật cần thiết thì còn phổ biến chung chung nên học sinh thường có suy nghĩ rằng lứa tuổi các em chưa phải chịu trách nhiệm pháp lý hoặc có chăng thì chỉ là cảnh cáo. Chính những nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, mơ hồ đã dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt, thậm chí là có những hành vi coi thường pháp luật. Chỉ đến khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì mọi sự đã muộn, những hậu quả đáng tiếc đã xảy ra.

   Không ít học sinh khi được hỏi về độ tuổi phải chịu trách nhiệm pháp lý  cho hành vi vi phạm pháp luật thì các em trả lời rằng “đủ 18 tuổi trở lên”. Hiểu như vậy là hết sức nhầm lẫn, bởi vì theo Điều 18 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên. Cũng tại điểm a, khoản 1, điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính. Điều 12- Bộ Luật hình sự quy định : “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

    Theo đó việc xử lý vi phạm hành chính và vi pham hình sự đối với người chưa thành niên được quy định như sau. Tại khoản 3, điều 134 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định : “Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền; Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên”. Tại khoản 1, 2 điều 74- Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên như sau:Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định; Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định”.

  Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì lứa tuổi vị thành niên nói chung và lứa tuổi học sinh THPT nói riêng vẫn phải chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự. Do đó, việc trang bị những kiến thức, hiểu biết pháp luật cho học sinh ở bậc học này vì thế là rất cần thiết.

    Tuy nhiên, trên thực tế, công tác giáo dục pháp luật cho học sinh ở bậc THPT vẫn chưa mang lại những kết quả như mong muốn. Nhiều kiến thức pháp luật quan trọng, gần gũi với cuộc sống đã được đưa vào chương trình môn Giáo dục công dân lớp 12. Mặc dù vậy, trong suy nghĩ của không ít học sinh hiện nay, Giáo dục công dân vẫn được xem là một “môn phụ” nên không mấy quan tâm, mặn mà.

      Đã có không ít học sinh phải bỏ dở chuyện học hành, thậm chí bị xử lý trước pháp luật bởi những hành vi bột phát, nông nổi bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật, thiếu sự quan tâm giáo dục từ gia đình và những tác động xấu từ xã hội.

 Do đó, giáo dục pháp luật cho học sinh đang là điều rất cần thiết .Việc làm này nhất thiết phải có sự đồng thuận, thống nhất từ gia đình, nhà trường đến cộng đồng nhằm xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, từ đó, ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của mỗi học sinh.

 Lê Thị Kim Phượng

Gửi bình luận