Giải thích 18 hiện tượng vật lý (phần 2)

10. Băng trên mái nhà hình thành như thế nào?

Góc mặt trời tới nóc nhà lớn hơn góc tới trên mặt đất, nên đốt nóng tuyết ở đây, làm tuyết tan.
Đã bao giờ bạn tự hỏi, những cột nước đá buông thõng từ mái nhà xuống hình thành trong giai đoạn băng tan hay băng giá. Nếu trong ngày băng tan, thì chẳng lẽ nước có thể đóng băng ở nhiệt độ trên số không? Còn nếu trong ngày băng giá, thì lấy đâu ra nước trên mái nhà?
Vấn đề không đơn giản như chúng ta tưởng. Muốn hình thành những cột băng thì trong cùng một lúc phải có hai nhiệt độ: nhiệt độ để làm tan băng - trên số không, và nhiệt độ để làm đóng băng - dưới số không.
Trong thực tế đúng như vậy: Tuyết trên mái nhà dốc tan ra vì ánh mặt trời sưởi nóng nó tới nhiệt độ trên số không, nhưng khi chảy đến rìa mái gianh thì nó đông lại, vì nhiệt độ ở đây dưới số không.
Bạn hãy hình dung một cảnh thế này. Vào một ngày quang mây, trời băng giá vẫn là 1-2 độ dưới không. Mặt trời tỏa ánh sáng, song những tia nắng xiên ấy không sưởi ấm trái đất đủ làm cho tuyết có thể tan. Nhưng trên mái dốc hướng về phía mặt trời, tia nắng chiếu xuống không xiên như trên mặt đất, mà dựng dứng hơn, nghiêng một góc gần với góc vuông hơn. Mà ta biết rằng góc hợp bởi tia sáng và mặt phẳng nó chiếu tới càng lớn thì tia sáng càng mạnh và sưởi nóng nhiều hơn (tác dụng của tia sáng tỷ lệ với sin của góc đó, như trường hợp hình trên, tuyết trên nóc nhà nhận được nhiệt nhiều gấp 2,5 lần so với tuyết trên mặt đất nằm ngang, bởi vì sin 60 độ lớn gấp 2,5 lần sin 20 độ). Đó là lý do tại sao mặt dốc của nóc nhà được sưởi nóng mạnh hơn và tuyết ở trên đó có thể tan ra.
Nước tuyết vừa tan chảy thành từng giọt, từng giọt xuống rìa mái gianh. Nhưng ở bên dưới rìa mái gianh, nhiệt độ thấp hơn số không và giọt nước (do còn bị bốc hơi nữa) nên đóng băng lại. Tiếp đó, giọt nước tuyết thứ hai chảy đến cũng đông lại… cứ thế tiếp tục mãi, dần dần hình thành một mỏm băng nho nhỏ. Rồi một lần khác, thời tiết cũng tương tự như thế, và những mỏm băng này được dài thêm ra, cuối cùng trở thành những cột băng giống như những thạch nhũ đá vôi trong các hang động vậy. Nói chung trên các căn nhà không được sưởi ấm, các cột băng cũng hình thành tương tự như trên.

11. Có thể đun nước sôi bằng nước sôi không?

Đặt một chai thủy tinh nhỏ đựng nước vào trong một xoong nước nguyên chất đang đun trên ngọn lửa, sao cho chai không chạm tới đáy xoong (bằng cách treo chai vào một cái vòng sắt). Khi nước ở trong xoong sôi, nước ở trong lọ dù có nóng lên nhưng cũng không thể sôi được. Vì sao vậy?
Muốn đun sôi nước mà chỉ đun nóng tới 100 độ C thôi thì chưa đủ, mà còn phải truyền cho nó một phần rất lớn nhiệt lượng dự trữ nữa, để chuyển sang trạng thái kết tập khác, tức là chuyển thành hơi nước.
Nước nguyên chất sôi ở 100 độ C. Trong điều kiện thường, dù có đun nóng nó thế nào đi nữa, nhiệt độ của nó vẫn không thể nào tăng hơn lên được. Như thế có nghĩa là, nguồn nhiệt mà ta dùng để đun nóng nước trong lọ có nhiệt độ 100 độ C, và nó cũng chỉ có thể làm cho nước trong lọ đạt tới 100 độ C mà thôi. Khi nhiệt độ hai bên đã cân bằng như thế rồi, thì nước trong xoong không thể tiếp tục truyền nhiệt vào lọ được nữa. Do đó, nếu đun nước ở trong lọ theo phương pháp này, ta không thể nào làm cho nó có thêm nhiệt lượng cần thiết để chuyển nước thành hơi (mỗi một gam nước đã nóng tới 100 độ C còn cần trên 500 calo nữa mới có thể chuyển thành hơi). Đó là lý do tại sao nước ở trong lọ dù có đun nóng đến thế nào đi nữa cũng không sôi lên được.
Có thể nảy ra thắc mắc: nước ở trong lọ và nước ở trong xoong có gì khác nhau? Ở trong lọ cũng là nước, chỉ có cách nước ở xoong bằng một lớp thủy tinh, tại sao nước trong lọ lại không thể sôi lên như nước ở xoong được?
Đó là vì có lớp thủy tinh ngăn không cho nước ở trong lọ tham dự vào quá trình đối lưu trong xoong. Mỗi phần tử nước ở xoong đều có thể trực tiếp tiếp xúc với đáy nồi nóng bỏng, còn nước trong lọ thì chỉ có thể tiếp xúc với nước sôi mà thôi. Do đó, không thể nào đun nước sôi bằng nước sôi được.
Nhưng nếu ta rắc một nhúm muối vào trong xoong thì tình hình sẽ khác hẳn. Nước muối sôi không phải ở 100 độ C mà ở nhiệt độ cao hơn chút ít, do đó có thể làm cho nước nguyên chất ở trong lọ cũng sôi lên.
12. Khi nhai kẹo giòn, ta nghe thấy những tiếng động inh ỏi trong tai, trong khi những người ngồi bên cạnh cũng đang nhai thứ kẹo ấy mà lại chẳng phát ra âm thanh gì rõ rệt. Họ đã dùng mẹo gì để tránh được thứ âm thanh lốp cốp vô duyên đó?

Nguyên do là, những tiếng động ầm ầm ấy chỉ có tai mình mới nghe thấy thôi, còn những người ngồi cạnh không nghe thấy được. Xương sọ của chúng ta cũng giống như hết thảy những vật rắn đàn hồi khác, truyền âm rất tốt. Những tiếng vỡ giòn tan của kẹo khi truyền qua không khí đến tai thì chỉ còn là những tiếng động nhẹ. Nhưng cũng tiếng vỡ ấy, nếu truyền đến thần kinh thính giác qua những xương cứng ở sọ, thì sẽ biến thành tiếng động ầm ầm.
Và đây là một thí nghiệm cùng tính chất như vậy: bạn hãy ngậm một chiếc đồng hồ quả quýt vào giữa hai hàm răng, rồi lấy ngón tay bịt chặt hai lỗ tai, bạn sẽ nghe thấy những tiếng động rất mạnh - tiếng tích tắc của đồng hồ đã được tăng cường lên như thế đấy.
Beethoven, nhạc sĩ thiên tài người Đức, sau khi bị điếc đã dùng một cái gậy để nghe trong lúc chơi dương cầm: ông chống một đầu gậy vào dương cầm, còn một đầu kia thì lấy răng cắn lấy. Có rất nhiều người điếc nhưng thính giác bên trong còn hoàn chỉnh, tới mức họ vẫn có thể nhảy theo điệu nhạc. Đó là nhờ âm truyền tới thần kinh thính giác qua sàn nhà và xương.
13. Cái bình đánh lừa người

Chiếc bình có những lỗ rỗng bên trên.
Vào thế kỷ 17-18, một số nhà quý tộc đã dùng một đồ chơi để mua vui. Họ chế ra một cái cốc (bình) có quai, mà phần trên có những lỗ rỗng. Đưa cốc rượu ấy cho một người chưa biết đặc điểm của cốc thì có thể sẽ được một trận cười nôn ruột. Làm thế nào mà uống được rượu trong cốc bây giờ?
Nghiêng cốc đi ư? Không thể được bởi vì rượu sẽ chảy hết ra ngoài qua các chỗ xẻ, chứ chẳng vào miệng được lấy một giọt. Trường hợp ấy quả giống như trong một câu thơ:
"Tôi đã từng uống mật ong
Nhưng chỉ làm râu ướt sũng"
Nhưng, người nào biết được bí mật của cái bình ấy thì chỉ cần lấy ngón tay bịt kín lỗ B, rồi ngậm miệng vào vòi của bình và hút mạnh là vẫn tu được rượu, chẳng cần phải nghiêng bình đi. Thì ra rượu qua lỗ E, luồn theo một cái rãnh ở trong quai bình, rồi luồn theo cả phần kéo dài C của cái rãnh này (phần này còn thông ngầm ở trong miệng bình) mà tới vòi của bình…
Mãi gần đây các thợ đồ gốm nước Nga vẫn còn chế ra những chiếc cốc kiểu như thế. Có những chiếc bình có quai mà bí mật cấu tạo được che kín rất khéo, ở ngoài bình ghi một hàng chữ: “Mời uống, nhưng chớ dội khắp mình”.

14. Âm thanh trong phích nước từ đâu ra?

Ghé sát tai vào phích nước rỗng, bạn sẽ thấy âm thanh o o như tiếng gió lùa. Phích kín như vậy thì gió ở đâu ra nhỉ. Thực tế, đây chỉ là hiện tượng cộng hưởng âm thanh bình thường, xảy ra với tất cả các dụng cụ chứa mà thôi.
Trước hết, ta hãy tìm hiểu về hiện tượng cộng hưởng âm:
Sóng âm là sự thay đổi mật độ lúc loãng lúc đặc của không khí, được truyền đi từ nguồn âm tới mọi hướng với tốc độ nhất định. Số lần biến đổi loãng - đặc trong một giây gọi là tần số. Khoảng cách giữa hai phần đặc hoặc hai phần loãng kề nhau gọi là bước sóng. Tần số của âm thanh càng cao, hoặc là bước sóng càng ngắn thì âm điệu nghe được càng cao.
Nói chung, âm thanh là do vật dao dộng gây ra. Ví như khi đánh trống, do mặt trống dao động lên xuống nên phát ra âm thanh trong không khí. Những vật thể khác nhau khi dao động sẽ phát ra những âm thanh không cùng tần số.
Nếu có hai vật thể phát ra âm thanh có tần số giống nhau và nằm ở gần nhau, thì khi để cho một vật phát âm, vật kia cũng có thể phát âm theo. Hiện tượng này gọi là cộng hưởng.
Điều thú vị là hầu như không khí (hay cột không khí) trong bất kỳ dụng cụ chứa nào cũng đều có thể cộng hưởng với các vật phát âm. Đưa một vật phát âm tới gần miệng một dụng cụ chứa, nếu tần số hoặc bước sóng của nguồn âm phù hợp với tần số hoặc bước sóng riêng của cột không khí, thì cột không khí sẽ cộng hưởng liền (tức là nó dao động) và làm âm thanh lớn lên rất nhiều.
Theo các nhà nghiên cứu, chỉ cần bước sóng bằng 4 lần, hoặc 3/4, 4/5… độ dài cột không khí, thì sau khi truyền vào dụng cụ chứa, nó sẽ gây ra cộng hưởng. Chiều cao bên trong của phích thường khoảng 30 cm. Từ đó có thể tính được rằng, khi những âm thanh có bước sóng là 120 cm, hoặc 40 cm, 24 cm… truyền vào phích thì đều có thể gây ra cộng hưởng.
Xung quanh chúng ta có đủ mọi loại âm thanh to nhỏ. Chúng có thể đồng thời cộng hưởng với cột không khí trong phích, tạo thành tiếng o o mà khi ghé tai vào ta sẽ nghe thấy. Do cột không khí ngắn, nên bước sóng của những âm thanh được cộng hưởng cũng ngắn. Vì vậy, những âm o o phát ra từ một chai nhỏ sẽ nhọn sắc hơn từ chiếc phích phát ra.
Nếu bình chứa có chỗ hư hỏng khiến cho cột không khí không hoàn chỉnh thì âm thanh cộng hưởng cũng bị thay đổi. Chính vì thế mà người ta thường thông qua việc nghe các tiếng o o để kiểm tra xem phích đựng nước có bị hỏng hay không.
14. Sức mạnh kỳ lạ trong quả cầu Magdeburg

Bán cầu Magdeburg.
Ngày 8/5/1654, người dân thành phố Regensburg, nhà vua và các quý tộc Đức, đã được mục kích một sự việc kỳ lạ: 16 con ngựa, chia làm hai nhóm, ra sức kéo bật hai bán cầu bằng đồng gắn chặt với nhau về hai phía. Nhưng, hai bán cầu vẫn trơ ra!
Bằng thí nghiệm này, thị trưởng thành phố, ông Otto von Guericke, đã chứng minh rằng không khí hoàn toàn không phải là “không có gì cả” như mọi người vẫn nghĩ, rằng nó có trọng lượng và nén với một lực rất lớn trên tất cả mọi vật trên trái đất. Và đây là trích dịch một đoạn về thí nghiệm này của Guericke: “Thí nghiệm chứng minh rằng áp suất của không khí gắn hai bán cầu vào với nhau chắc đến nỗi 16 con ngựa cũng không tách nổi chúng ra”.
“Tôi đặt làm hai bán cầu bằng đồng đường kính là ba phần tư khửu Magdeburg (khoảng 40 cm). Nhưng thực tế đường kính chỉ bằng khoảng 37 cm, bởi vì người thợ thường không thể làm thật đúng như yêu cầu. Hai bán cầu hoàn toàn ăn khít với nhau. Ở một bán cầu có lắp một vòi hơi, qua vòi này người ta có thể hút hết không khí ở trong ra, và không cho không khí ở ngoài lọt vào. Ngoài ra trên hai bán cầu còn có 4 cái vòng, dùng làm chỗ luồn thừng buộc nối với yên của ngựa. Tôi lại sai hai người khâu một cái vòng da; rồi đem ngâm vòng da vào trong hỗn hợp sáp với dầu thông. Sau khi đã kẹp vòng da này vào giữa hai bán cầu thì không khí không thể lọt vào trong được nữa. Nối vòi hơi với một bơm để rút hết không khí trong quả cầu ra. Lúc ấy, người ta đã thấy, qua vòng da, hai bán cầu ép chặt vào nhau mạnh đến mức nào. Áp suất của không khí bên ngoài siết chặt chúng chắc đến nỗi, 16 con ngựa kéo cật lực cũng không tách nổi chúng ra được, hoặc nếu được thì cũng rất tốn sức lực. Khi ngựa kéo được hai bán cầu ra thì còn thấy chúng phát ra tiếng nổ như súng vậy.
Nhưng chỉ cần vặn vòi hơi để cho không khí tự do đi vào là lập tức có thể lấy tay tách hai bán cầu ấy ra được dễ dàng”.
Một vài phép tính đơn giản cũng có thể làm chúng ta hiểu rõ, tại sao lại phải dùng một lực lớn đến thế để tách hai bán cầu ra.
Không khí nén xấp xỉ 10 N trên mỗi centimét vuông. Diện tích của vòng tròn có đường kính 37 cm là khoảng 1.060 centimét vuông (ở đây ta tính diện tích của vòng tròn chứ không phải bề mặt của bán cầu, bởi vì áp suất khí quyển chỉ có độ lớn như đã nói khi tác dụng vuông góc với một bề mặt, còn khi tác dụng vào những bề mặt nằm nghiêng thì áp suất đó nhỏ hơn. Trong trường hợp này ta phải lấy hình chiếu thẳng góc của mặt cầu lên mặt phẳng, nghĩa là lấy diện tích của vòng tròn lớn). Như thế nghĩa là lực ép của khí quyển trên mỗi bán cầu phải hơn 10.000 N.
Vậy mỗi nhóm 8 con ngựa phải kéo với một lực bằng 10.000 N mới thắng nổi áp suất của không khí bên ngoài.
Nhìn qua thì tưởng chừng con số đó không lấy gì làm quá nặng so với tám con ngựa (mỗi bên). Nhưng bạn chớ quên rằng, khi phải kéo một tấn hàng hóa, ngựa bỏ ra một lực nhỏ hơn 10.000N rất nhiều, tức là nó chỉ phải thắng các lực ma sát giữa bánh xe với trục, và giữa bánh xe với đường nhựa mà thôi. Mà lực ma sát này, trên đường nhựa, bằng khoảng 500 N (ở đây chúng ta cũng bỏ qua hiện tượng là khi tám con ngựa cùng kéo một vật nặng thì chúng bị mất đi 50% lực kéo). Do đó lực kéo 10.000 N của ngựa có thể kéo được một xe hàng 20 tấn. Và như vậy, khi kéo bán cầu ra, tám con ngựa ấy đúng là đã phải kéo một vật tương đương với một đầu máy xe lửa cỡ nhỏ không ở trên đường ray vậy!
Người ta đã đo được là một con tuấn mã kéo xe với một lực cả thảy là 800N. Cho nên muốn kéo lật được các bán cầu Magdeburg ra (trong trường hợp lực kéo của các con ngựa bằng nhau) thì mỗi bên phải dùng 10.000/800 = 13 con ngựa.
Chắc hẳn bạn đọc sẽ vô cùng kinh ngạc nếu biết rằng một số khớp xương trong cơ thể chúng ta sở dĩ không rời nhau ra, cũng là do một nguyên nhân như ở các bán cầu Magdeburg. Áp suất khí quyển đã siết chặt các xương lại với nhau, bởi vì khoảng trống giữa khớp xương không có không khí.
15. Vì sao dầu và nước không thể hòa tan?

Nhỏ mấy giọt dầu vào nước trong, bạn sẽ thấy chúng lập tức loang ra thành một màng mỏng nổi trên mặt nước. Cho dù bạn có khuấy nước mạnh đến đâu, chúng cũng không thể hoà tan làm một. Vì sao vậy?
Chúng ta đã biết nước suối có thể nhô cao hơn miệng cốc mà không tràn ra ngoài là vì sức căng bề mặt kéo chặt các phần tử trên mặt chất lỏng lại.
Sức căng bề mặt của các loại chất lỏng không giống nhau: của dầu nhỏ hơn của nước. Khi dầu rơi vào mặt nước, nước co lại hết mức nên đã kéo dầu dãn ra thành một màng mỏng nổi bên trên. Hơn nữa, tỷ trọng dầu lại nhỏ hơn nước rất nhiều, nên dù có dùng sức khuấy thế nào, thì màng dầu vẫn nổi trên mặt nước và không hoà tan được.
Những chú chim thường xuyên phải nhào ngụp xuống nước để bắt cá cũng dựa vào đặc tính của dầu để bảo vệ mình. Bộ lông vũ trên cơ thể chúng thường xuyên được "tráng" một lớp dầu mỡ đặc biệt tiết ra từ các lỗ chân lông. Nếu không có lớp dầu đó bảo vệ, lông vũ sẽ bị ướt và khi đó chim sẽ chết chìm ngay. Có thể thấy vào lúc trời mưa, những con vịt hăng hái chạy đi chạy lại mà lông không hề bị ướt, còn các chú gà do trên lông không có lớp dầu che phủ, nên bị nước mưa thấm ướt và trở thành gà "rù".
16. Không dễ gì vẽ tranh trước gương

Trước mặt một tấm gương phẳng là một tờ giấy. Đề nghị bạn vẽ một hình bất kỳ lên tờ giấy này, thí dụ hình chữ nhật với các đường chéo. Nhớ rằng khi vẽ, bạn không được nhìn vào tay mà phải theo sự chuyển động của tay phản chiếu trong gương. Bạn sẽ thấy cái việc tưởng như quá dễ ấy hầu như không thực hiện được.
Trước nay, thị giác của chúng ta phù hợp với cảm giác về động tác, nhưng bây giờ gương đã phá hoại sự phù hợp ấy, bởi vì nó bày ra trước mắt chúng ta sự chuyển động đã bị méo mó của tay. Thói quen bao nhiêu năm nay chống đối lại mỗi cử động của bạn: bạn muốn vẽ một đường thẳng về bên phải, nhưng tay lại kéo về bên trái...
Bạn sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa nếu bạn vẽ ở trước gương không phải là một hình đơn giản, mà là một hình phức tạp, hoặc viết một gì đó với điều kiện chỉ được nhìn vào các dòng ở trong gương: bạn sẽ được một mớ rối beng rất buồn cười.
Những chữ viết thấm trên giấy cũng là những hình đối xứng ở trong gương. Bạn hãy nhìn những chữ trên giấy thấm và thử đọc chúng. Đảm bảo rằng bạn sẽ không truy ra nổi một chữ, ngay cả chữ rõ ràng nhất: các chữ nghiêng về bên trái một cách khác thường, và quan trọng hơn, thứ tự các nét không sắp xếp như chúng ta vẫn thường làm. Nhưng nếu bạn dựng đứng một tấm gương ở trước tờ giấy thấm, thì bạn sẽ thấy rằng tất cả những chữ cái ở trong gương hoàn toàn giống những chữ cái bạn quen đọc. Gương đã phản chiếu một cách đối xứng những nét chữ mà bản thân chúng là hình đối xứng của chữ viết thường.

17. Tại sao khi quạt lại thấy mát?

Khi phe phẩy quạt, chúng ta đã xua đuổi lớp không khí nóng ở mặt đi và thay thế nó bằng lớp không khí lạnh. Tới lúc lớp khí mới này nóng lên thì nó lại được thay thế bằng một lớp không khí chưa nóng khác... Chính vì thế, ta luôn cảm thấy dễ chịu.
Thực tế, sau khi lớp không khí trực tiếp dính sát vào mặt ta nóng lên thì nó trở thành cái chụp không khí vô hình úp vào mặt chúng ta, "ủ nóng" mặt chúng ta, nghĩa là làm trì hoãn sự tiếp tục mất nhiệt ở đó. Nếu lớp không khí này không lưu động thì nó chỉ bị không khí lạnh ở xung quanh (và nặng hơn) đẩy lên trên một cách hết sức chậm chạp.
Nhưng khi chúng ta lấy quạt xua "cái chụp" ấy đi thì mặt chúng ta sẽ luôn tiếp xúc với những lớp không khí mới chưa nóng lên, và truyền nhiệt sang các lớp không khí ấy. Từ đó, thân thể chúng ta lạnh đi và cảm thấy mát mẻ dễ chịu.
Điều đó cũng có nghĩa là, trong một căn phòng có đông người, việc phe phẩy quạt giúp ta cảm thấy mát mẻ, bằng cách lấy đi không khí lạnh xung quanh những người khác, và đẩy không khí nóng về phía họ.

18. Con đường... tự kéo xe chạy

Trong đường hầm này, xe sẽ tự động chạy (khi bỏ qua sức cản không khí).
Ông A.A. Rotnuc (người Nga) từng đưa ra một đồ án vui về “Đường xe lửa ngầm thẳng hoàn toàn nối liền St. Peterburg và Maxcơva”. Một đường ngầm như thế, giá có thể đào được, thì chắc chắn sẽ có một đặc tính khác thường: Bất kỳ chiếc xe nào chui vào con đường ấy cũng đều tự chuyển động được.
Kỳ thực, tất cả các con đường trên trái đất đều bám theo độ cong của bề mặt địa cầu, nên đều là những cung cong. Còn đường ngầm vạch ra trong đồ án này thì chạy theo một đường thẳng, tức là theo dây cung (hình vẽ).
Đến đây, ta hãy nhớ lại cái giếng ngầm đào xuyên qua tâm quả đất. Bất cứ ai khi rơi vào đó, dưới tác dụng sức hút trái đất (và nếu bỏ qua sức cản không khí), sẽ bay đi bay về giữa hai đầu giếng mãi không thôi. Con đường ngầm St. Peterburg - Matxcơva chẳng qua cũng là một cái giếng như thế, có điều là nó được đào theo dây cung chứ không phải là theo đường kính.
Trong cái giếng xiên như thế, mọi vật đều bị trọng lực làm cho chuyển động tiến lên và lùi lại, ngày càng tiến dần về phía đáy con đường. Nếu đặt đường ray trong đường ngầm thì toa tàu sẽ tự nó chuyển động trên đó, nói cách khác, trọng lượng sẽ thay thế sức kéo của đầu máy.
Đầu tiên, đoàn tàu chạy rất chậm. Càng ngày, vận tốc của nó càng tăng lên, không bao lâu sẽ đạt tới một độ lớn phi thường, đến nỗi không khí trong đường ngầm cũng trở thành một môi trường cản trở khá rõ rệt đối với chuyển động của đoàn tàu. Nhưng, ta hãy gạt bỏ sức cản phiền toái này. Khi chạy đến giữa đường ngầm, đoàn tàu sẽ có một vận tốc cực lớn, so với một viên đạn đại bác thì nó còn bay nhanh hơn nhiều! Với cái đà đó, nó có thể chạy mãi được tới đầu đường bên kia. Và nếu hoàn toàn không có ma sát thì đoàn tàu không cần đầu máy sẽ tự chạy được từ St. Peterburg tới Matxcơva.
Tính toán cho thấy, đoàn tàu mất 42 phút 12 giây để chạy theo đường hầm dài 600 km này. Có điều là thời gian đó không phụ thuộc gì vào độ dài của con đường ngầm: đi từ Matxcơva tới St. Peterburg, cũng bằng đi tới Vladivostoc hay tới Melbourne (Australia).

Gửi bình luận