KĨ NĂNG LÀM BÀI NGHỊ LUẬN VỀ Ý KIẾN BÀN VỀ TÁC PHẨM VĂN HỌC

1. Dạng 1: Bàn về một nhận định trong một tác phẩm

a. Mở bài:

- Dẫn dắt, giới thiệu tác giả, tác phẩm, trọng tâm nghị luận

- Nêu xuất xứ và trích dẫn ý kiến.

b. Thân bài:

- Giải thích ý kiến:

 + Giải thích, cắt nghĩa các từ, cụm từ có nghĩa khái quát hoặc hàm ẩn trong ý kiến .

+ Sau khi cắt nghĩa các từ ngữ cần thiết cần phải giải thích, làm rõ nội dung của cả ý kiến. Thường trả lời các câu hỏi: Ý kiến trên đề cập đến vấn đề gì? Câu nói ấy có ý nghĩa như thế nào?

Phân tích, chứng minh vấn đề (lí giải ý kiến)

+ Ý kiến đó được biểu hiện như thế nào trong đoạn trích, tác phẩm văn học.

 + Căn cứ vào hoàn cảnh sáng tác, nội dung, nghệ thuật,... để lí giải. Cần chú ý xây dựng luận điểm, lựa chọn dẫn chứng và phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ ý kiến.

- Bình luận (nhận xét – đánh giá, mở rộng, nâng cao)

+ Khái quát những nội dung đã triển khai.

 + Đánh giá ý nghĩa, tác dụng của vấn đề đó đối với văn học, cuộc sống.

c. Kết bài:

- Khẳng định lại tính chất đúng đắn của vấn đề.

- Rút ra những bài học cho bản thân, gửi đến thông điệp cuộc sống từ vấn đề.

2. Dạng 2: Bàn về hai ý kiến trong một tác phẩm.

a. Mở bài:

- Dẫn dắt, giới thiệu tác giả, tác phẩm, trọng tâm nghị luận

- Trích dẫn 2 ý kiến.

b. Thân bài:

- Giải thích lần lượt từng ý kiến: Giải thích, cắt nghĩa các từ, cụm từ có nghĩa khái quát hoặc hàm ẩn trong ý kiến, từ đó làm rõ nội dung từng ý kiến.

Phân tích, chứng minh vấn đề (lí giải ý kiến)

+ Lí giải từng ý kiến. Mỗi ý kiến được biểu hiện như thế nào trong đoạn trích, tác phẩm văn học.

+ Căn cứ vào hoàn cảnh sáng tác, nội dung, nghệ thuật,... để lí giải. Cần chú ý xây dựng luận điểm, lựa chọn dẫn chứng và phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ ý kiến.

- Bình luận (nhận xét, đánh giá; mở rộng, nâng cao)

+  Nhận xét 2 ý kiến đó (mâu thuẫn, bổ sung, thống nhất,...), có giá trị, ý nghĩa như thế nào đối với vấn đề nghị luận.

 + Đánh giá ý nghĩa, tác dụng của vấn đề đó đối với văn học, cuộc sống.

c. Kết bài:

- Khẳng định lại tính chất của vấn đề.

- Rút ra những bài học cho bản thân, gửi đến thông điệp cuộc sống từ vấn đề.

 

ĐỀ BÀI THAM KHẢO

ĐỀ 1: Tính dân tộc trong đoạn trích Việt Bắc ( Tố Hữu) ( ngữ văn 12 tập 1)

1. Tác giả, tác phẩm

- Tố Hữu là nhà thơ lớn của dân tộc, đỉnh cao của thơ ca cách mạng Việt Nam.

- Một trong những yếu tố làm nên sức sống lâu bền trong thơ Tố Hữu chính là tính dân tộc.

- « Việt Bắc » :  là khúc tình ca và cũng là khúc hùng ca mà cội nguồn sâu xa của nó là tình cảm quê hương đất nước, là truyền thống ân nghĩa, đạo lý thuỷ chung của dân tộc. Ở VB tính dân tộc trong nghệ thuật thể hiện khá đặc sắc.

2. Giải thích tính dân tộc:

- Trong nội dung :Thường ca ngợi truyền thống dân tộc, tính cách dân tộc, đặc điểm tâm hồn, cốt cách của dân tộc.

-Trong nghệ thuật: Thể thơ, ngôn ngữ, giọng điệu, hình ảnh thơ mang tính truyền thống của dân tộc.

3. Phân tích, chứng minh

3.1. Tính dân tộc được thể hiện qua nội dung:

- Đề cập đến sự kiện lịch sử có tính chất trọng đại của dân tộc

- Con người trong cuộc kháng chiến của dân tộc: 

+ Hình ảnh lãnh tụ - Bác Hồ: 

Hình ảnh Bác Hồ trong bài thơ Việt Bắc là kết tinh của những tinh hoa dân tộc.  Bác còn là niềm tin, là ánh sáng nâng bước và sưởi ấm lòng mỗi người trong những hoàn cảnh đen tối nhất. Đây là hình ảnh trở thành điểm quy tụ mọi suy nghĩ và tình cảm. Nó chứng tỏ những tình cảm thiết tha của nhà thơ đối với Bác, đồng thời ở một mức độ nhất định cũng nói lên quan niệm của nhà thơ về vai trò của Người đối với cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta.

+ Vẻ đẹp con người:

  • Hình ảnh con người hài hòa với thiên nhiên.
  • Hình ảnh con người đẹp trong lao động sản xuất, đẹp trong hoạt động kháng chiến.
  • Vẻ đẹp nổi bật của con người mang tâm hồn, cốt cách dân tộc: đạo lí uống nước nhớ nguồn, không bao giờ quên những tình cảm gắn bó chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, tinh thần đoàn kết đồng lòng chung sức kháng chiến, nghĩa tình thủy chung trước sau như một,…

- Bức tranh thiên nhiên Việt Bắc quen thuộc, gắn bó với con người được cảm nhận trong những thời gian, không gian khác nhau, bốn mùa Việt Bắc đẹp như một bức tranh tứ bình tạo nét đặc trưng của phong cảnh Việt Nam; thiên nhiên góp phần làm nên chiến thắng, thiên nhiên trở thành lực lượng kháng chiến.

- Tính dân tộc thể hiện ở lòng yêu nước, thể hiện ở sức mạnh, niềm tin vào kháng chiến, vào Đảng, vào CM, vào một ngày mai, tương lai  tươi sáng.

3.2. Tính dân tộc được thể hiện qua  nghệ thuật:

- Sử dụng sáng tạo lối đối đáp quen thuộc của ca dao: Đối đáp trong ca dao chủ yếu là để bày tỏ tình cảm riêng tư (tình yêu đôi lứa) nhưng trong bài thơ VB lại dùng để bày tỏ tình cảm lớn của cộng đồng: lòng yêu nước, sự gắn bó giữa nhân dân và CM.

- Sử dụng sáng tạo cặp đại từ: “ta”-“mình”: Từ “mình” ở ngôi thứ nhất dùng để chỉ bản thân; ở ngôi thứ 2 để chỉ người thân yêu. Trong bài thơ VB, từ “mình” chủ yếu dung ở ngôi thứ 2 để chỉ người cán bộ CM, cũng có khi chỉ đồng bào VBtạo nên sự gắn bó sâu sắc, nghĩa tình, thủy chung…

- Sử dụng thể thơ lục bát: tạo âm hưởng cân xứng, nhịp nhàng như khúc hát ru…

- Hình ảnh thơ gần gũi thân quen, nghệ thuật điệp, sử dụng từ láy: giọng điệu tâm tình ngọt ngào tha thiết,…

4. Bình luận:

-“ Việt Bắc” là hình ảnh của thiên nhiên, con người Việt Nam. Những con người nghĩa tình, thủy chung son sắt dù trải bao khó khăn gian khổ vẫn luôn lạc quan, hướng về tương lai.

- “Việt Bắc” góp thêm một tiếng nói độc đáo về lòng yêu nước trong văn học thời kháng chiến chống Pháp, có giá trị vun đắp lòng yêu quê hương đất nước ở con người Việt Nam.

 

 

ĐỀ 2: Có ý kiến cho rằng “ “Sóng” của Xuân Quỳnh mang vẻ đẹp của tình yêu truyền thống”. Nhưng ý kiến khác lại cho rằng “Tình yêu trong “Sóng” là tình yêu hiện đại”. Phân tích “Sóng” – Xuân Quỳnh để chứng minh hai ý kiến trên.

1. Tác giả, tác phẩm

          - Giới thiệu tác giả , tác phẩm, vấn đề trọng tâm: Tình yêu thể hiện trong bài thơ Sóng.

- Dẫn 2 ý kiến

2. Giải thích

 Tình yêu truyền thống là tình yêu mang những cung bậc cảm xúc có tính truyền thống muôn đời. Đó là niềm tin mãnh liệt trong tình yêu, nỗi nhớ da diết cháy bỏng, sự thủy chung đằm thắm nhưng bên cạnh đó cũng không tránh khỏi những cảm xúc lo âu, khắc khoải.

 Tình yêu hiện đại là tình yêu vượt ra khỏi sự chật hẹp tù túng, đời thường để vươn tới tình yêu cao đẹp, nhân văn.

3. Phân tích, chứng minh

3.1. Ý kiến thứ nhất: “Sóng của Xuân Quỳnh là vẻ đẹp tình yêu truyền thống”. Vẻ đẹp ấy là những xúc cảm nồng nàn nhiều cung bậc trong tâm hồn của người phụ nữ khi yêu.

+ Khi yêu, tâm hồn người phụ nữ đầy những phức tạp khó hiểu. Lúc dữ dội, dịu êm, khi ồn ào, lặng lẽ (2 câu đầu khổ 1)

+ Tình yêu gắn liền với khát vọng và những bồi hồi trong trái tim yêu

+ Tình yêu gắn liền với nỗi nhớ. Nỗi nhớ là một cung bậc trong tình cảm và cũng là gam màu chủ đạo của tình yêu.   Nỗi nhớ ấy xuyên suốt cả không gian, thời gian đến nỗi “ngày đêm không ngủ được” đến “cả trong mơ còn thức”.

+ Tình yêu gắn với sự thủy chung. Đây là nét đẹp nhân văn (Phân tích khổ 6)

+ Tình yêu gắn liền với niềm tin nhưng cũng đầy những dự cảm lo âu, khắc khoải (Phân tích khổ 7, 8)

3.2. Ý kiến thứ hai : “ Sóng gắn liền với tình yêu hiện đại”

+ Người phụ nữ không cam chịu cuộc đời chật hẹp, bé nhỏ tù túng mà muốn bứt phá ra những không gian rộng lớn để sống với tình yêu đích thực “Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể”

+ Mạnh dạn bày tỏ tình cảm, mạnh mẽ quyết định hạnh phúc, thậm chí mang trong mình khát vọng lớn lao muốn bất tử hóa tình yêu (Phân tích khổ cuối)

3.3. Nghệ thuật

          Thể thơ ngũ ngôn, âm điệu nhịp nhàng, sử dụng nhiều biện pháp tu từ: nhân hóa, ẩn dụ, điệp từ điệp ngữ.

4.Bình luận

          Cả hai ý kiến trên đều đúng, bổ sung cho nhau. Tình yêu truyền thống và hiện đại ở đây không tách rời nhau mà hòa quyện vào nhau, tạo nên nhiều nét đẹp nhân văn trong tâm hồn người phụ nữ khi yêu.

 

Tổ Ngữ Văn

Gửi bình luận