Thay đổi kỳ thi THPT QG 2017: Mách nước cho “lớp 13”

Với nhiều thay đổi trong phương án thi THPT QG 2017, teen ôn thi lại chắc chắn đang có nhiều băn khoăn. Bài viết này sẽ giúp ích nhiều:

1. Khả năng các trường thi riêng là không cao

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vì việc tổ chức thi riêng sẽ cần sự chuẩn bị ở rất nhiều khâu, chưa kể là sự tốn kém và phải huy động nhiều chuyên gia…Nên đối với năm 2017, ngoài ĐHQG Hà Nội sẽ vẫn chưa có trường nào tổ chức thi riêng. Chính vì vậy, điều teen cần làm bây giờ là yên tâm ôn luyện theo phương án thi mới.

2. Chiến lược làm bài thi tổ hợp

Theo công bố phương án thi của Bộ: Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chọn thi các bài thi hoặc các môn thành phần của bài thi KHTN hoặc KHXH, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ. Do vậy, thí sinh thi lại không bắt buộc làm hết các môn trong bài thi tổ hợp.

Như vậy, teen chỉ cần tiếp tục đầu tư học các môn trong khối mình thi (VD teen thi khối A thì học Lý, Hóa; teen thi khối B học Hóa, Sinh). Với môn còn lại trong tổ hợp, teen chỉ cần đầu tư ít thời gian để học kiến thức cơ bản là đủ để tránh điểm liệt. Vì điểm liệt của từng môn thi trong bài tổ hợp chỉ là 1 (tương ứng làm đúng 4/40 câu).

Mặc dù vậy, nếu teen có nguyện vọng thi lại vào những trường ĐH xét tuyển bằng cả bài thi (KHTN hoặc KHXH) thì sẽ phải làm cả ba môn thi chỉ trong một buổi! Hoặc nếu vẫn thi theo khối truyền thống (A, B, C…) thì cũng phải thi ít nhất hai môn. So với các năm trước (mỗi môn thi một buổi riêng) thì teen sẽ vất vả hơn.

Do đó, teen thi lại cần:

  • Trước khi thi, ngoài việc ôn tập chắc kiến thức nên kết hợp làm bài thi thử để quen với áp lực phòng thi. Đặc biệt, nên tính thời gian làm bài thi và thi liền các môn y như thật (VD làm đề thi Lý xong chuyển sang làm đề Hóa ngay).
  • Sắp xếp chế độ ăn, ngủ…hợp lý để đảm bảo thể lực. Đặc biệt giữ gìn sức khỏe trước ngày thi.
  • Trong kỳ thi thật (vào tháng 6) và các kỳ thi thử trước đó, sau khi làm xong mỗi môn cần nhanh chóng “quên” môn đó đi và tập trung tinh thần làm tiếp môn sau. Nếu teen còn phân vân vì một câu chưa chắc chắn hoặc tiếc một câu làm sai…thì sẽ bị ảnh hưởng tâm lý đấy!

3. Áp lực về thời gian làm bài

Theo phương án thi chính thức, chỉ cần nhìn qua là teen sẽ thấy những khó khăn sau, chủ yếu là ở thời gian làm bài:

  • Môn Toán lần đầu tiên thi trắc nghiệm nên teen cần chuyển đổi tư duy làm bài thi tự luận sang trắc nghiệm. Có thể tham khảo bài này để biết thêm các bí kíp. Cần lưu ý: Nếu còn giữ tư duy làm bài chậm-chắc thì teen sẽ không đủ thời gian khi làm đề thi trắc nghiệm Toán.
  • Môn Anh thi trắc nghiệm 50 câu/60 phút (trung bình 1.2 phút/câu). Tương tự là tổ hợp Tự nhiên, Xã hội…Do vậy cần luyện phương pháp giải bài nhanh và chính xác.
  • Môn Ngữ văn cũng giảm chỉ còn thi trong 120 phút. Vì vậy teen cần đọc và phân tích kỹ đề minh họa để có hướng làm bài phù hợp, kịp thời gian.

Gửi bình luận